Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

FOREVER LOVE VĂN PHỤNG - CHÂU HÀ


arrow
Trang Nhà arrow Nhạc arrow TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ VĂN PHỤNG - Biên soạn: Phan Anh Dũng
Trang Nhà
Chủ Trương
Văn
Thơ
Nhạc
Hội Họa - Nhiếp Ảnh
Biên Khảo
Giao Điểm
- - - - - - -
Tác Giả
Tủ Sách
- - - - - - -
Sinh Hoạt
- - - - - - -
Liên Kết
- - - - - - -
Tìm Kiếm
Liên Lạc
TƯỞNG NHỚ NHẠC SĨ VĂN PHỤNG - Biên soạn: Phan Anh DũngPDFPrintE-mail
Gần đến Lễ Giáng Sinh 2009, tôi có dịp nói chuyện phiếm qua điện thoại với Nhà Văn Lê Văn Phúc, được anh cho biết Giỗ thứ 10 của Nhạc Sĩ Văn Phụng (NS VP) vào đầu tháng 12. Hiền thê của anh là chị Thy Nga cũng vừa thực hiện một chương trình "Văn Phụng-Một Đời Cho Âm Nhạc" trên Đài RFA (Radio Free Asia- Á Châu Tự Do). Trong chương trình đặc biệt có phỏng vấn Ca sĩ Châu Hà, hiền thê thứ hai của Nhạc sĩ Văn Phụng, hiện cư ngụ tại Fairfax, Virginia và trưởng nữ Phương Loan hiện ở Canada.
Sau khi nghe chương trình này, tôi có cảm hứng nên viết thư cho một số thân hữu để kêu gọi cùng nhau: 1/. làm một chương trình Tưởng Nhớ NS VP trên website Cỏ Thơm và 2/. nếu thuận tiện, làm một chương trình văn nghệ ở James Lee Center, Virginia vào cuối năm 2010, với sự hiện diện của gia đình NS VP.
Ngược dòng thời gian, chúng tôi có cơ duyên gặp Nhạc Sĩ Văn Phụng và Ca sĩ Châu Hà khi Ông Bà vừa đặt chân đến Hoa Kỳ - khoảng 1978 hay 1979 - và ghé thăm Richmond, Virginia. Hôm ấy, ở nhà chị bạn Thái Phượng, Bà Châu Hà đã hát một số bài trong đó có bài nổi tiếng Suối Tóc và Ave Maria - một bài NS VP mới sáng tác năm 1976. Tôi không ngờ giọng hát của Bà còn quá tốt, trong, cao và vì ngồi gần nên nghe tiếng ngân thật điêu luyện. Sau này, Ông Bà có ghé thăm chúng tôi khi cô con gái lớn vào một trường Đại Học ở đây. NS VP rất giản dị, vui vẻ, cởi mở và chân tình. Tuần trước, chị Thái Phượng đã chịu khó tìm lại cho tôi bản gốc bài Ave Maria, một số hình ảnh và những băng cassettes thật quý do chính NS VP tặng cho gia đình chị. Nói đến hình ảnh, tôi cũng không quên cái may mắn chụp lại một số hình ở nhà NS Nguyễn Túc vào khoảng tháng 5 năm 2009, trước khi Ông qua đời. Trong số hình đó có một tấm thật hiếm: Văn Phụng chụp chung với Nhạc Sĩ Nhật Bằng, Nhạc Sĩ Nguyễn Túc, Ca sĩ Anh Ngọc, Ca sĩ Quỳnh Giao, Ca Sĩ Minh Trang, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng và một số bạn bè yêu âm nhạc vùng Hoa Thịnh Đốn. Nhạc sĩ Nguyễn Túc cũng tâm sự với tôi: Văn Phụng là người nhạc sĩ có dòng nhạc và cách chơi nhạc "bay bướm", "nghệ sĩ nhất" trong số các nhạc sĩ cùng thời. Ông thích tiếng kèn clarinet của NS VP còn hơn tiếng đàn piano nữa và khen người bạn thân của mình chịu khó học hỏi kỹ thuật mới cho dù khi qua Hoa Kỳ đã lớn tuổi.
Trong lúc biên soạn chương trình này, tôi có dịp thư từ qua lại với chị Phương Loan, trưởng nữ của NS VP ở Ottawa, Canada và bạn của chị là Thái Hiền (Montreal, Canada) - người cũng thích hát nhạc của NS VP. Chị đóng góp bài Ô Mê Ly - với phần hòa âm và hát bè của Nhạc sĩ Thế Phương. Chị Phương Loan cũng gởi bài Xuân Họp Mặt, do con trai duy nhất của NS VP là Văn Phụng Hoàng hoà tấu. Tuy chưa gặp mặt nhưng tôi có thể tưởng tượng tính tình của anh Hoàng qua tiếng đàn chen nhiều nhạc cụ vui tươi dí dỏm! Tôi đã nghe lại băng nhạc video Thúy Nga Paris số 27, dành riêng cho Nhạc Sĩ Văn Phụng. Đây là một video tôi ưng ý nhất về phương diện nhạc - có lẽ NS VP đã cố vấn chăng ? Một số lai lịch bài hát đã được NS VP "tiết lộ" một cách duyên dáng trong phần phỏng vấn mở đầu các bài hát.
Tôi cũng khám phá ra nhiều điều thú vị khi làm chương trình này:
1. Một số nhạc phẩm rất hay nhưng ít phổ biến của NS VP như: Xuân Thôn Dã, Lời Nhi Nữ, Đón Xuân Thanh Bình, Gió Chiều, Tạ Ơn Thượng Đế, Tiếng Vang Trên Đồi, Xuân Về Trên Non Sông Việt Nam, Thuyền Xưa Bến Cũ ... và lai lịch một số bài như Ô Mê Ly và Ghé Bến Đà Giang ...
2. Lời nhạc đăng trên một số lớn websites không đúng như băng nhạc Tơ Vàng 5 do chính Bà Châu Hà hát trước 1975 (tôi nghĩ nếu không có bản nhạc chính thì nên xem đó là chuẩn)
3. Chán Nản (1972) không phải là nhạc phẩm "cuối cùng" của NS VP. Ông đã sáng tác Ave Maria năm 1976 và một số nữa khi ở trại tị nạn Mã Lai, như "Tạ Ơn Thượng Đế" - Khánh Ly hát trong phần "Nhạc Văn Phụng qua nhiều thế hệ" ở dưới - và những bản như Thương Về Quê Mẹ khi đến Hoa Kỳ (xin xem chữ viết của Ông ở bìa sau bản Ave Maria)
4. Nét chữ của NS Văn Phụng rất đẹp và bay bướm (qua thủ bút bài Ave Maria)
5. Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn có lẽ là bản nhạc phổ thông nhất, được nhiều ca sĩ chọn hát và thính giả yêu mến qua nhiều thập niên
6. Sau khi NS VP qua đời, ca sĩ Thùy Dương đã cho ra mắt một CD tên "Dòng Thời Gian - Văn Phụng" năm 2000.
7. Thế hệ ca nhạc sĩ "trẻ" ở Việt Nam bây giờ cũng còn nhận thấy nét đẹp ở nhạc Văn Phụng và trên thị trường đã có một CD tên "Nhũng Tình Khúc Văn Phụng - Trăng Sáng Vườn Chè ".
Chương trình này không thể thực hiện một cách tốt đẹp và đúng thời hạn nếu không được nhiều thân hữu bỏ thì giờ thu âm, hòa âm, viết bài (hay tìm bài viết cũ), cho phép đăng bài v v. Một số bạn chịu khó tìm và gởi: bản nhạc, tài liệu, hình ảnh, nhạc từ cassettes, CD, DVD... Thành thật cảm ơn: NS Thanh Trang, NS Lê Văn Khoa, Ca sĩ Quỳnh Giao, NS Linh Phương, NS Nguyễn Ngọc Châu, NV Lê Văn Phúc, Phóng viên Thy Nga, NV Nguyễn Đức Nam, NS Phạm Anh Dũng, NS Trần Đại Phước, NS Nguyễn Tường Vân, NS Hoàng Cung Fa, NS Thế Phương, Thái Hiền, Văn Phụng Hoàng, Phương Loan, Minh Châu, Hoàng Dung, Sĩ Tuấn, Sĩ Tường, Thái Phượng, Hoàng Anh, Minh Trân, Hiếu Tâm, Hiếu Thuận, Hiếu Trang, Vũ An Thanh, Bạch Cúc, Hoàng Tiếp, Thái Ninh và Tâm Hảo ...
Mong quý vị tìm lại được những cái hay, đẹp, tươi vui và độc đáo của "Nhạc Văn Phụng". Chúng ta cùng nhớ lại những kỷ niệm với Ông và thời kỳ vàng son của Tân Nhạc Việt Nam trước 1975. Mọi ý kiến xây dựng xin gởi về Phan Anh Dũng: dathphan@comcast.net
Phan Anh Dũng (Richmond, Virginia - USA / 5 tháng 2, 2010 - trước Tết Canh Dần)
                                                                 Tiểu Sử
                                                      
                                                  Nhạc Sĩ Văn Phụng (1930-1999)
Mùa Xuân 1945, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội, cậu bé Nguyễn Văn Phụng, 15 tuổi, được giải nhất piano solo với bản "La Prière d'une Vierge". Hai giáo sư piano là Bà Vượng và Perrier hãnh diện đã dậy cậu học trò ấy.
Mùa Thu khói lửa 1946, cậu bé Phụng chạy loạn về nương náu tại nhà Thờ Tứ Trùng, Chợ Cồn, Nam Định và được Cha xứ Mai Xuân Đĩnh dạy về đạo lý và âm nhạc. Năm 1948, cậu trở về Hà Nội, vì lệnh động viên nên gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Tiểu Đoàn Danh Dự (Hà Nội), cùng thời với Nguyễn Hiền, Đan Thọ, Nguyễn Cầu, Văn Khôi, Nguyễn Túc, Nhật Bằng ... Cậu thường đi trình diễn ở hậu cứ mặt trận cùng với các tổ chức ủy lạo chiến sĩ.
Cùng năm 1948, bản nhạc Ô Mê Ly ra đời, tên Văn Phụng trở nên quen thuộc với giới yêu nhạc Việt Nam. Được quân nhạc trưởng Schmetzler chỉ dạy, Văn Phụng trở thành một nhạc sĩ soạn hòa âm xuất sắc đầu tiên làm hòa tấu những bản nhạc Việt Nam cho Ban Đại hoà tấu quân nhạc Việt Nam Cộng Hòa (100 nhạc viên) và cho các ban tân nhạc Đài Phát Thanh Quân Đội ba miền.
Trong các thập niên 50, 60, 70, nhạc của Văn Phụng vang lên đều đặn ở các Đài Phát Thanh, Vô Tuyến Truyền Hình Quốc Gia và Quân Đội, sân khấu ... như các bản Suối Tóc, Trăng Sáng Vườn Chè, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Bức Họa Đồng Quê, Tiếng Dương Cầm ...
Văn Phụng đã cộng tác và điều khiển ban nhạc với các bạn ca nhạc sĩ cùng thời như: Anh Ngọc, Minh Trang, Ban Thăng Long, Trần Văn Trạch, Mộc Lan, Kim Tước, Châu Hà ... và cho các hãng sản xuất băng nhạc, điã nhựa như Asia, Continental ...
Sang Mỹ tị nạn năm 1978, Văn Phụng đã viết hòa âm cho nhiều hãng làm băng nhạc Việt Nam tại California và trên thế giới. Gần đây, cuốn băng Thúy Nga Paris số 27 (thực hiện tại Paris & California) đặc biệt trình bày những nhạc phẩm hay nhất và cuộc đời yêu âm nhạc của Văn Phụng. Nữ ca sĩ Châu Hà là nguồn sáng tác và người bạn đường cộng tác trình diễn với Văn Phụng.
(LTS: Nhạc Sĩ Văn Phụng qua đời năm 1999 tại Fairfax, tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ)
(Nguồn: Nhạc Tuyển "Tình Yêu và Quê Hương" -1996 của Văn Phụng, Đan Thọ, Nhật Bằng & Nguyễn Túc)
   
     Chúng tôi đã mất đi một người bạn và Việt Nam đã
            mất đi một thiên tài âm nhạc
  -  Nguyễn Túc
                                        
Từ thập niên 50, 60, từ Hà Nội đến Saigon, nhạc Văn Phụng đã mang đến một nét mới lạ trong vườn nhạc Việt Nam. Qua các làn sóng phát thanh, các đài truyền hình, băng nhạc, các buổi trình diễn, phòng trà, dạ vũ... , các bản nhạc như Ghé bến Sài Gòn, Suối tóc, Ô Mê ly, Trăng sáng vườn chè, Tôi đi giữa hoàng hôn, Yêu, Bức họa đồng quê.. ai nghe cũng mê thích vì nét nhạc khi vui tươi, lúc êm đềm, vài bản với hòa âm kiểu Âu Mỹ, kể cả lời ca cũng khác lạ với những bản nhạc thường nghe.
Từ năm 75 có cuộc di cư vĩ đại ra ngoại quốc, nhạc Văn Phụng lại càng được trọng dụng. Các ban nhạc có khi đổi lại nhịp điệu cho hợp thời trang: slow đổi thành pop,boston thành rumba v.v... , ai mà không thích Ái Vân ca nhạc dân tộc tính Trăng sáng vườn chè...
Tôi là bạn thân của Văn Phụng hơn 50 năm nay, nên biết rõ nhau từ thuở mới bước chân vào nghề nhạc, chưa có danh vọng tiền bạc, cùng thời với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Phạm Duy, Phạm Nghệ, và vì thời cuộc cùng gia nhập ban Quân nhạc, ta gọi là "lính kèn", với Nguyễn Khắc Cung, Nhật Bằng, Ðan Thọ, Vũ Thành, Hoàng Trọng v.v... Chúng tôi cùng chia xẻ vui buồn, giúp đỡ nhau trong cuộc sống về nhạc, tuy nhiên không bao giờ tâng bốc nhau trong vấn đề nghệ thuật.
Hôm nay, Văn Phụng đã đi rồi, tôi viết ở đây vài giòng cảm nghĩ của tôi với người bạn vong niên mà tôi vẫn thần cảm phục, và tôi đã gán cho anh danh hiệu "thiên tài", không phải là không lý do, cũng như đối với vài nhạc sĩ Việt Nam khác. Hai chữ đó là chữ Hán nhưng chắc ai cũng hiểu là nói về những người đã được trời ban cho tài cán đặc biệt mà người khác không thể nào bằng trong một giới nào, nhất là về nghệ thuật. Tìm trong hàng triệu người mới thấy một Beethoven hay một Picasso .
Văn Phụng đã được trời ban cho tài, không những là một nhạc sĩ về sáng tác mà còn là một nhạc sĩ về hòa âm, trình tấu và kỹ thuật âm thanh. Quý vị nào đã chơi hay hiểu về nhạc thấy rằng chỉ giỏi trong một phương diện về nhạc không thôi cũng đã khó và phải có đủ điều kiện thiên phú, thời gian học hỏi, kinh nghiệm v.v...
Trước hết, về tài sáng tác, anh đã viết rất nhiều, bài nào thường cũng hay cả lời lẫn nhạc, nét nhạc và đầu đề thật là độc đáo nên ca sĩ nào cũng thích hát nhạc Văn Phụng.
Về tài trình tấu, Văn Phụng chơi nhạc trong ban Quân nhạc Ðệ tam Quân khu, đài phát thanh và Vô tuyến truyền hình Quốc gia và Quân đội, tại phòng trà và vũ trường nhiều năm ở Hà Nội, Saigon và Hoa Kỳ, sử dụng nhiều nhạc khí.
Tôi thích nhất là tiếng kèn clarinet của anh lả lướt êm dịu như của những nhạc sĩ Âu Mỹ có tiếng về jazz và ngón chơi piano đặc biệt của anh, với những lèo láy bay bướm hay những hợp âm mới lạ, lồng theo tiếng ca, khi anh đệm nhạc cho một ca sĩ.
Sau hết, về tài kỹ thuật âm thanh, Văn Phụng rất thành thạo cả về máy móc thâu thanh và các nhạc khí điện tử. Tôi còn nhớ một lần, sau khi mua một đàn điện synthesizer, có hơn 100 tiếng đàn khác nhau, anh đã xóa hết những tiếng cũ và thay vào trong đàn những tiếng theo thứ tự anh lựa chọn, một điều không dễ mà chưa bao giờ một nhạc sĩ mua đàn, mà lại mất công tự làm lại theo ý thích của mình. Hơn nữa, anh lại lấy một số tiếng đàn tây phương thay đổi, chuyển thành tiếng đàn ta như sáo tre, đàn tranh, đàn bầu ..
Vì thế, mỗi lần mua đàn điện mới, tôi cứ việc nhờ Văn Phụng đi mua cho tôi một chiếc đàn giống đàn của anh đã có và đã nghiên cứu rồi về chỉ lại cho tôi chơi ngay, nên tôi không phải mất công đọc sách chỉ dẫn. Tôi đã học hỏi nhiều ở anh nhữõng bước đầu về kỹ thuật và máy móc để thâu thanh.
Anh đã may mắn có nhiều kinh nghiệm về dụng cụ và kỹ thuật âm thanh khi anh làm việc tại đài phát thanh và cơ quan UFO Hoa Kỳ ở Việt Nam cùng đài TV56 PTA ở Virginia .
Nhân tiện, tôi xin phép quý vị kể vài cá tính của anh mà tôi biết đã giúp anh thành công trong đời nhạc sĩ của anh. Nhiều người có thiên tài chưa chắc đã thành công, nếu không thêm vào đó những cá tính hay, đặc biệt của mình.
Thứ nhất là Văn Phụng thật sự có một tâm hồn nghệ sĩ, một điều không bao giờ anh tự nói ra. Anh thích cây cỏ, thiên nhiên... Vài năm sau khi định cư tại Mỹ, anh mua được một căn nhà nhỏ ở đường Backlick, Springfield, Virginia . Anh thích thú trồng nhiều cây khác nhau, như 150 cây hoa hồng đủ các loại và biến mảnh vườn nhỏ của anh thành một tiểu thiên đàng, để sáng dậy sớm ngắm trời xanh, nghe chim hót, ngồi uống trà... Chính anh tự sửa sang vườn lấy, chăm sóc từng cây, nghiên cứu từng loại và anh kể là có lúc anh làm vườn cả ngày trong thời kỳ không có việc. Anh cũng thường nói nếu sau này được sống trong một căn nhà biệt lập trên núi, hoặc ở bãi bể, gần rừng cây để làm nhạc thì thật tuyệt. Giấc mơ đó đã muộn mất rồi!
Văn Phụng thường nói với nhiều người là ước gì Cộng đồng Việt Nam thành lập được một Club giống như Country Club của Mỹ, nghĩa là một câu lạc bộ mà ngày nghỉ, gia đình, con cái, bạn bè đến tập họp ăn uống, vui chơi đủ môn giải trí, thể thao . Hơn nữa, câu lạc bộ còn có một sân khấu lớn đầy đủ âm thanh, đèn màu để tổ chức thường xuyên nhạc hội ca vũ nhạc Việt Nam, các đoàn ở xa đến đã có sẵn nơi trình diễn. Về cưới hỏi, câu lạc bộ có thể đảm nhiệm để lấy tiền. Các hội viên là những quý vị yêu nghệ thuật, sẽ đóng góp vài trăm một tháng, nếu cần Văn Phụng sẽ tình nguyện làm manager trông nom. Mỗi lần thấy Văn Phụng nói chuyện đó, tôi và Nhật Bằng thường cười với nhau, vì ước vọng của anh quá lớn, khó có thể thực hiện được.
Cá tính thứ hai của Văn Phụng là sự bền chí để đi đến tuyệt hảo. Anh tự thâu thanh lấy một nhạc phẩm của anh viết, soạn hòa âm và phối khí trên thị trường, có khi đến 5, 7 lần mà vẫn không nản, thú thật tôi thâu đến 2, 3 lần là phải nghỉ rồi . Anh chơi nhạc tại vũ trường từ xưa nên quen thức đêm, thường đến 1, 2 giờ sáng. Mỗi lần mua một đàn điện, anh thức đêm có khi mấy tháng để nghiên cứu cây đàn mới .
Cá tính thứ ba của Văn Phụng là sự cẩn thận rất mực. Ở nhà anh, bất cứ chỗ nào, nơi làm việc, kể cả trong nhà tắm, nơi nào cũng đầy những mảnh giấy nhỏ ghi bằng mực đậm những điều phải làm, có khi những ý nghĩ riêng của anh nữa. Anh rất có trách nhiệm khi đi trình diễn, bao giờ cũng có mặt trước 2 tiếng đồng hồ.
Một lần tôi đi chơi nhạc đám cưới với anh tại nhà hàng China Garden, bắt đầu lúc 7 giờ, thế mà Văn Phụng đã rủ tôi đi từ lúc 3 giờ chiều để sửa soạn đàn và thử âm thanh. Anh nói sớm còn hơn muộn, ở nhà thêm ít phút có hơn gì đâu. Việc gì cũng có thể xảy ra được, lỡ đi đường gặp tai nạn thì làm sao kịp giờ. Anh không thích ai đến nói chuyện trong khi anh chơi nhạc hay để ly nước trên mặt đàn dương cầm của anh. Trong phòng nhạc, anh tự đóng lấy nhiều kệ bằng gỗ rất đẹp, chạy chung quanh tường, để xếp đàn, sách nhạc, dàn âm thanh v.v...
Vài kỷ niệm và đức tính của Văn Phụng kể trên đây có thể là những điểm son của một người bạn tài hoa, vui tính, đáng mến mới vĩnh biệt chúng tôi và Việt Nam cũng mất đi một thiên tài âm nhạc.

Nguyễn Túc (Arlington, đầu năm 2000)

                               Một Số Tác Phẩm
• Ave Maria
• Bên lưng đèo
• Bóng người đi
• Bức họa đồng quê
• Các anh đi - lời: thơ Hoàng Trung Thông • Chán nản
• Chung thủy
• Đêm buồn - lời: ca dao Việt Nam • Dịu dàng
• Em mới biết yêu đã biết sầu
• Ghé bến Sài Gòn - lời: Hoài Linh
• Giã từ đêm mưa
• Giấc mộng viễn du
• Giang hồ
• Hát lên nào
• Hết đêm nay mai sẽ hay
• Hình ảnh một đêm trăng
• Hoài vọng
• Hôn nhau lần cuối - lời: thơ Nguyễn Bính• Lãng tử  - lời: Mặc Thế Nhân• Lối cũ
• Lời nhi nữ
• Mộng hải hồ
• Mộng viễn du
• Mưa - lời: Văn Khôi • Mưa rơi thánh thót
• Mưa trên phím ngà - lời: Thanh Nam• Nhớ bến Đà Giang - lời: Chiêu Tranh • Nỗi buồn
• Ô! Mê ly - lời: Văn Khôi• Suối tóc - lời: Thy Vân
• Sương thu
• Ta vui ca vang - lời: Chiêu Tranh
• Tạ Ơn Thượng Đế
• Thuyền xưa bến cũ
• Tiếng dương cầm
• Tiếng hát với cung đàn
• Tiếng vang trên đồi
• Tiếng vọng chiều vàng
• Tình
• Tôi đi giữa hoàng hôn
• Trăng sáng vườn chè - lời: thơ Nguyễn Bính
• Trăng sơn cước - lời: Văn Khôi • Trở về Huế
• Trong đêm vắng
• Viết trên tà áo Em
• Vó câu muôn dặm - lời: Văn Khôi
• Vui bên ánh lửa - lời: Chiêu Tranh
• Xuân họp mặt
• Xuân miền Nam - lời: Tuấn Nghĩa
• Xuân thôn dã
• Xuân về trên non sông Việt Nam
• Xuân vui ca
• Yêu
• Yêu và Mơ
               Bấm vào đây để mở: "Lời trong các bản nhạc của NS Văn Phụng" (pdf)
                     Sáng tác đầu tay của NS Văn Phụng : Ô MÊ LY - lời: Văn Khôi
       
                         Bấm vào đây: Ô Mê Ly để nghe Ban Hợp Xướng Ngàn Khơi trình bày
                          (Hòa âm, phối khí: Lê Văn Khoa - Dàn nhạc: Festival Symphony Orchestra)
                        Bấm vào đây: "Nguyễn Ngọc Ngạn phỏng vấn Văn Phụng về Ô Mê Ly"
                                 
                                     sáng tác NS Văn Phụng yêu mến nhất:
                         
                             >> Tâm Hảo hát: Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn
                      
             Bấm vào đây để mở nhạc phẩm Chán Nản (pdf) do nhạc sĩ Lê Văn Khoa soạn cho dương cầm
           Những bài hát của Văn Phụng như tôi biết ...
                                              
Bài hát đầu tiên của Văn Phụng mà tôi nghe trong đời là bài “Trăng sơn cước”, năm tôi mười hai tuổi. Thời ấy là gần giữa thập niên 50, và nghe trên “radio”, Đài Pháp Á. Ông hàng xóm cạnh nhà có cái “radio” hiệu “Zenith”, tôi chả còn nhớ là của Hòa Lan hay của Pháp. Máy ở nhà tôi là hiệu “Lemouzy” của Pháp, âm thanh nghe cũng rõ ràng, ngon lành; tất nhiên là so với máy móc của thời ấy ! Ít lâu sau thì một anh bạn gần nhà, cùng học ở “Chasseloup” nhưng trên tôi hai lớp và biết đánh “guitare”, một hôm đem bài hát “Lời nhi nữ” của Văn Phụng qua nhà và đàn cho tôi nghe. Đàn xong, anh ta nói :”Nghe Tây quá há ?” Hồi đó thì tôi mới chỉ biết nghe ca hát thôi, chứ cũng chưa rành về nhạc cho nên cũng chả phân biệt đuợc rõ ràng thế nào là âm hưởng  “Tây”,thế nào là âm hưởng “ta” ! Mãi về sau mới dần dần định ra đuợc sự khác biệt ấy, và thấy là nhận xét của anh bạn quả có phần chính xác. Để người đọc có một ý niệm rõ ràng và cụ thể về điều vừa rồi thì sau khi viết mấy dòng này tôi sẽ ngồi vào đàn và “hòa tấu” bài “Lời nhi nữ” để hầu quý vị ! Vì là chuyện kỷ niệm cho nên tôi có quyền viết lan man và nhắc đến sự thể là anh bạn kia sở dĩ để ý đến khía cạnh đó một phần là vì anh ta học trường Tây thừ thuở bé, và ông Bố có lẽ không nghĩ xa cho lắm nên có người con trai đầu lòng thì đặt tên là Đông, rồi đến anh bạn của tôi thì đặt tên là Tây, theo cái nghĩa “có Đông thì phải có Tây” cho nó cân đối ! Tôi đoán vậy ! Ông ấy không nghĩ là đến ngày thực dân Pháp kéo nhau về “Tây” hết, với cao trào “dân tộc” đang bùng lên sau ngày Đệ Nhất Cộng Hòa đuợc thành lập thì ai gọi con mình là “Tây” thì nghe cũng hơi chướng, tạm suy ra như thế ! Quả nhiên, sau đấy ít lâu thì cũng chả hiểu do đâu mà ra, ở nhà anh bạn lại gọi anh ta theo cái tên là “Hương” !
Dạo đó tuy tôi còn thuộc hàng “nhãi con” nhưng đã biết nhận xét là ông Bố anh bạn kia kể cũng lạ : đi thay tên gọi của con ở nhà từ “Tây” thành “Hương”, là tên con gái, thì nghe ra lại càng thêm chướng ngược. ( Giờ này mà anh bạn Tây/”Hương” ngày xưa của tôi ở đâu đấy trên đất Pháp hay tại quê nhà mà đọc đuợc mấy dòng này nơi trang “Cỏ Thơm” này, thì xin vui lòng liên lạc gấp để xác định dùm rằng tôi chỉ kể lại toàn
 những chuyện có thật; bởi tôi không có thói quen khi viết về những kỷ niệm trong đời mình thì cứ thế mà dựng chuyện lên, rồi thêm mắm thêm muối vào đấy, rất có hại cho những người tránh ăn mặn do cao áp huyết ! ) 
Những tháng  ngày lần lựa của tuổi “hoa niên” ấy thì tôi tuần tự có dịp nghe những bài hát khác của Văn Phụng mà tôi rất thích bởi bài nào cũng có giai điệu thật đẹp.  Lời của những bài hát thì, theo như tôi thấy, chỉ gọn gẫy, rõ ràng mạch lạc thôi, chứ còn giai điệu thì bao giờ cũng thật đẹp ! Mà hình như khi nói về khía cạnh “âm nhạc” nơi một bài hát thì đấy, vẫn theo tôi, mới là cái chính !
Thính giả khi xưa, và cả cho đến ngày nay, khi nhắc đến những bài hát của Văn Phụng thì người ta thường nhắc đến những bài nào ? Xin tạm liệt kê :
Đối với quảng đại quần chúng thì hình như ấy là các bài : “Ghé bến Sài Gòn”, “Ô mê ly”, “Trở về Huế”, “Tôi đi giữa hòang hôn”, “Giã từ đêm mưa”, “Tiếng dương cầm”, “Bức họa đồng quê”, “Các anh đi”, “Trăng sáng vườn chè” ( phổ thơ Nguyễn Bính ), “Suối tóc”…
Đối với một số hạn chế hơn thì ấy là các bài : “Nhớ bến Đà Giang”, “Mưa”, “Mưa trên phím ngà”, “Giác mộng viễn du”, “Hình ảnh một đêm trăng”, “Chán nản”, “Yêu” , “Hôn nhau lần cuối” ( phổ thơ Nguyễn Bính ), “Bóng người đi”, “Chung thủy”,  …
Riêng tôi thì vẫn không quên những bài sau đây nữa mà tôi thích :”Xuân miền Nam”, “Xuân thôn dã”, “Mái tranh ven đồi”, “Tôi yêu những buổi chiều vàng”, “Dịu dàng”, “Lời nhi nữ” như đã viết ở trên …  
Vấn đề là như sau : Người nghe những bài hát thì chỉ có mỗi một cách duy nhất để biết đuợc những bài hát, và ấy là ca sĩ người ta hát những bài nào thì mình biết đuợc những bài ấy ! Mà ca sĩ, từ “có tiếng tăm” đến ca sĩ tài tử thì một là có những sở thích riêng khi chọn bài, hoặc chỉ muốn hát những bài mà “nhiều người đã quen tai và biết đến”, bởi hát bài nào mà người nghe người ta cảm thấy “lạ tai” thì người hát ngại là không có “tác dụng” ! Ngày xưa tôi nghe chương trình ban “Phượng Hoàng” của Văn Phụng ở Đài phát thanh Sài Gòn thì hầu như bài nào của ông tôi cũng đuợc nghe qua; vì ông là tác giả cho nên biết đích xác những bài hát mình có trong tay, kể cả những nhạc sĩ trưởng bạn nhạc thời đó cùng có chương trình riêng của mình ở Đài phát thanh !
Vậy thì giải pháp duy nhất để giữ gìn những cái hay cái đẹp của một thời thì không riêng gì đối với những bài hát của Văn Phụng mà đối với bất cứ một tác giả nào khác có tên tuổi trong nền Tân Nhạc của ta, người hát nên chịu khó tìm tòi, lục lọi coi xem còn những bài hát đặc sắc nào khác của tác giả này hay tác giả kia. Bằng không thì người nghe của thế hệ đuơng đại hay thế  hệ trẻ của ngày hôm nay làm sao người ta biết ? Chẳng hạn như Tết con Cọp đang đến mà trên các mạng, trên thị trường DVD, băng nhạc, thấy người ta rao hàng hay giới thiệu, chuyển cho nhau nghe  những bài quen thuộc như “Ly rượu mừng”, “Xuân này con không về”, “Đồn vắng chiều xuân”  v.v.. của những tác giả khác, còn những bài thật đặc sắc về giai điệu như “Xuân miền Nam” của Văn Phụng nếu như đã hiếm thì bài “Xuân thôn dã” lại càng hiếm hơn, nếu không muốn nói là chả thấy đâu ! 
Còn giai điệu đẹp đẽ nơi bài “Lời nhi nữ” tôi “hòa tấu” theo đây thì chẳng qua cũng là để “minh họa” điều mình vừa mới viết ở đoạn trên ! Nội dung lời lẽ nơi bài hát là một cô gái trẻ khuyên người yêu là lính trong quân đội Quốc Gia, trước ngày thành lập QLVNCH, nên tạm quên tình riêng để nghĩ đến nỗi đọa đày của người dân bên kia bờ Bắc sông Bến Hải. Câu cuối nơi bài hát :”Anh yêu em ơi, khi nao vang câu thanh bình ca .. Quê hương yên vui, em ra bến sông đón người em yêu !”
Nghĩ đến đấy mà cứ thấy lòng ngậm ngùi !
Thanh Trang (Nam Cali, cuối Đông 2009-2010)
                    
           Bấm vào tên bản nhạc để nghe Thanh Trang đàn:  Xuân Thôn Dã  &  Lời Nhi Nữ
 XUÂN THÔN DÃ
Hoa Xuân chưa tươi ngàn cây
Còn tràn gió Đông buồn lây
Xa xôi tiếng chim nào đâu
Tre khô xác xơ nghiêng đầu
Giòng sông hoang vắng
Nhịp cầu thở than
Đồng lúa nhớ tiếng thôn nữ
Ca vang câu ca thương mến
Bao anh nông dân tươi cười trong nắng
Hàng cau thôi rơi hoa trắng
Mênh mang mây trôi u ám
Mưa đông như gieo oán cung đàn
Nhưng đây Xuân về rắc mưa hồng cánh hoa
Măng tre vươn tươi mình xanh tươi lá
Chim say hơi Xuân bừng ca
Nhịp cầu ngắm gương dòng sông
Sông mơ sóng đưa bềnh bồng
Đây thôn nữ đang nghiêng mình
Chàng trai nghe khúc Thanh Bình vẳng đưa
Mùa Xuân tới
Đồng quê mới
Hương hàng cau ngát cây rơm vàng
Đôi bờ câu mớm duyên mơ màng
Mùa Xuân tới
Lòng phơi phới
Xuân tươi rồi về quên hết đau thương
Mùa Xuân tô thắm quê hương
LỜI NHI NỮ
Người yêu em hỡi, giờ đây em khuyên chàng.
Vì dân anh hãy dâng mình hiến non nước.
Anh hay chăng anh, nơi bên kia sông Bến Hải kia
Quê hương thân yêu, dân gian điêu linh đang chờ tay anh.
Có những lúc yếu đuối em mơ màng.
Nhớ tới những phút đã vui bên chàng.
Nhưng nơi xa đau thương đang vang rền.
Tuy yêu anh, nhưng thôi em đành quên.
Người yêu em hỡi giờ đây em cầu nguyện.
Đọc tên anh khẽ, mong Thượng Đế thương thấu
Anh yêu em ơi, khi nao vang câu Thanh bình ca
Dân gian yên vui, em ra bên sông đón người em yêu!
                          
                                    Thủ bút của Nhạc Sĩ Văn Phụng
       
        
                   Bấm vào đây: Ave Maria để nghe Trần Đại Phước (Dallas, Texas - USA) hòa âm - 2010
          Bấm vào đây: Ave Maria để nghe Châu Hà hát "live" ở nhà Nghiêm Thái Phượng - Virginia năm 1983
             
      
                                                 (Bìa sau của bản nhạc Ave Maria
                                 Bấm vào đây để nghe Khánh Ly hát: Tạ Ơn Thượng Đế  
                                           
                                             Nhạc Sĩ Văn Phụng & Ca sĩ Châu Hà - 1959
                    Bấm vào đây để nghe toàn bộ băng nhạc: "Tơ Vàng 5 - Tiếng Hát Châu Hà"
                                
                     
                    Châu Hà hát Suối Tóc trong chương trình Thúy Nga Paris 27 - (thu hình ở Paris năm 1994)
                         Bấm vào đây để nghe toàn bộ : "Dòng Nhạc Tình Văn Phụng"
                          do một số ca sĩ tài tử trình bày hay bấm vào tên từng bài dưới đây:
1. Ta Vui Ca Vang - Thái Phượng, Tâm Hảo, Hoàng Tiếp, Anh Dũng (hòa âm: Thanh Trang)
2. Tình - Hiếu Thuận
3. Tiếng Dương Cầm - Thanh Trang hòa tấu
4. Chán Nản - Vũ An Thanh
5. Xuân Họp Mặt - Văn Phụng Hoàng hòa tấu
6. Nỗi Buồn - Bạch Cúc
7. Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn - Hoàng Tiếp
8. Bức Họa Đồng Quê - Cung Fa, Hoàng Dung, Hoàng Anh, Sĩ Tuấn
9. Bóng Người Đi - Tâm Hảo (hòa âm: Thanh Trang)
10. Trăng Sơn Cước - hòa tấu
11. Tiếng Dương Cầm - Sĩ Tuấn
12. Yêu - Diễm Huyền - piano solo
13. Hình Ảnh Một Đêm Trăng - Hiếu Tâm, Hiếu Thuận, Hiếu Trang 
15. Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn - Linh Phương - piano solo
16. Tiếng Hát Với Cung Đàn - Anh Dũng &Tâm Hảo
16a. Hoài Vọng - Nguyễn Ngọc Châu hòa tấu
17. Yêu - Minh Châu (California)
18. Ghé Bến Sài Gòn - Nguyễn Ngọc Châu hòa tấu
19. Yêu và Mơ - Minh Trân
20. Ô Mê Ly - Thái Hiền
21. Tình - Trần Vĩnh - saxo (hòa âm: Duy Cường)
22. Vó Câu Muôn Dặm - Sĩ Tuấn, Sĩ Tường, Cung Fa
23. Suối Tóc - Thái Ninh
24. Xuân Miền Nam - Ban hợp ca Vùng Hoa Thịnh Đốn
                            Một Số Bài Viết về Nhạc Sĩ Văn Phụng
1. "Bóng Thời Gian - Văn Phụng" - Lê Văn Phúc
3. "Châu Hà với Ave Maria" - Quỳnh Giao
8. "Nhớ Văn Phụng" - Hoàng Thanh Tâm
       * Bấm vào đây: TÌNH - Hoàng Thanh Tâm hát
9. Ô! Mê Ly" - Trường Kỳ
10." Suối Tóc" - Nguyễn Đức Nam
                    
  
                      Ô MÊ LY ! - Trường Kỳ
                               
Trong không khí tưng bừng, nhộn nhịp của mùa Giáng Sinh cuối cùng của thế kỷ 20, nhạc sĩ Văn Phụng sau năm ngày hôn mê đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 17 tháng Mười Hai, 1999, vào lúc 6 giờ chiều, đúng một tuần trước ngày kỷ niệm Chúa sinh ra đời. Sau nhiều lần liên lạc qua điện thoại, từ Montreal và ngay từ thành phố nơi ông cư ngụ là Fairfax, Virginia, tôi đã được ông nhận lời dành cho một buổi nói chuyện tại căn nhà trong khu chung cư dành cho người lớn tuổi trên đường Typring. Nhưng rất tiếc đúng ngày hẹn, vào buổi sáng 29 tháng Tám, 1999, ông lại bị đưa khẩn cấp vào bệnh viện Fairfax, là nơi từ hơn một năm qua ông vẫn ra vào thường xuyên, có khi đến tuẩn lần mỗi tuần. Lại một cái hẹn nữa được ấn định vào buổi trưa ngày 7 tháng Mười, 1999 dành cho một cuộc nói chuyện qua điện thoại. Với một giọng mỏi mệt vì ông đã phải thức trắng đêm lo lắng cho bệnh tình của vợ ông là nữ danh ca Châu Hà, vào bệnh viện đêm hôm trước vì bị tức ngực. Mặc dù trong sự mỏi mệt và bi quan về bệnh tật, đôi lúc bản tính “ tếu” của ông vẫn lộ ra qua những câu nói khôi hài của một nghệ sĩ rất yêu đời, đầy lạc quan trước đó...
‘Ô mê ly đời sống với cây đàn’
Văn Phụng tên thật là Nguyễn Văn Phụng, sinh tại Hà Nội năm 1930. Ngoài một người chị đã mất, ông còn hai người em trai, một người hiện ở tiểu bang Iowa và một người còn lại Việt Nam. Ông học bậc tiểu học ở trường Louis Pasteur, trung học ở trường Albert Sarrault. Là một học sinh rất xuất sắc, nên năm 16 tuổi ông đã đậu Tú Tài. Văn Phụng đam mê âm nhạc từ nhỏ và đã được hai giáo sư dương cầm là bà Perrier và bà Vượng chỉ dẫn về nhạc khí này. Nhờ có một năng khiếu đặc biệt, vào năm 15 tuổi ông đã đoạt giải nhất về dương cầm trong một cuộc tuyển lựa tại Nhà Hát Lớn Hà Nội. Đến năm 1946, trong thời gian ở hậu phương ông đã được linh mục Mai Xuân Đĩnh chỉ dẫn thêm về nhạc, và sau đó tự học hỏi qua sách vở và “Cái gì không hiểu tôi cũng lò mò lấy tự vị, dictionnary ra học. Chỉ học lấy vì ông cụ đâu có cho học!”
Vì quá mê nhạc nên ông đã không học thêm về ngành y khoa sau khi đã theo học một năm theo yêu cầu của thân phụ, rất thích ông trở thành một bác sĩ vì “Ôâng cụ thời ấy khó lắm, chỉ có muốn tôi làm bác sĩ thôi, đâu có muốn tôi làm nhạc sĩ.”
Trước quyết định của Văn Phụng “Ông cụ bực lắm. Nhưng mà nhân thể tôi viện cớ là phải vào lính. Một là mình đi lính chiến, hai là mình đi lính nhạc. Mà lính nhạc thì nghe có vẻ dễ chịu hơn... Cầm súng, cầm siếc chán lắm.”
Đó là vào năm 1948, lệnh tổng động viên được ban hành, Văn Phụng gia nhập ban Đệ Tam Quân Nhạc, tiểu đoàn danh dự ở Hà Nội, cùng một thời kỳ với các nhạc sĩ Đan Thọ, Nhật Bằng, Nguyễn Túc, Nguyễn Hiền, Đan Phù, Vũ Thành, v.v. Ông được quân nhạc trưởng người Pháp gốc Đức là Schmetzer hướng dẫn và trở thành một trong những nhạc sĩ chuyên soạn hòa âm đầu tiên những nhạc phẩm Việt Nam dành cho dàn đại hòa tấu trên 80 người của ban Quân Nhạc.
Cũng vào năm 1948, trong niềm vui sống trong âm nhạc là con đường ông đã quyết định chọn lựa, Văn Phụng sáng tác nhạc phẩm đầu tiên “Ô Mê Ly, trở thành một nhạc phẩm rất quen thuộc cho đến nay. Ngoài việc sáng tác và hoạt động trong ngành quân nhạc, Văn Phụng còn trình diễn trong các vũ trường ở Hà Nội trong việc giải trí cho các quân nhân Pháp và “cũng kiếm thêm được tí tiền còm” như ông nói.
‘ Ô mê ly dạo phím rồi ca vang’
Khởi đầu cho sự nghiệp âm nhạc của mình với “Ô Mê Ly” vào năm 1948 và kết thúc với “Chán Nản” vào năm 1972, Văn Phụng đã sáng tác hàng trăm nhạc phẩm, trong số đó có rất nhiều nhạc phẩm đặc sắc như “Các Anh Đi,” “Tình,” “Suối Tóc,” “Mưa,” “Tiếng Hát Với Cung Đàn,” là “Tiếng Dương Cầm,” “Trở Về Huế,” “Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn,” v.v. Tuy ông nói cứ sáng tác “lai rai... chẳng có lúc nào mạnh, lúc nào yếu cả,” tuy nhiên trong thời gian từ 25 đến 45 tuổi được coi là thời kỳ sung mãn nhất, như ông nói: “Đời người ta từ khoảng 25 tuổi đến 45 tuổi là thời gian mạnh giỏi nhất. Mười lăm tuổi thì coi như chưa biết gì, coi như còn non. Hai mươi lăm tuổi mới biết được, thế rồi 35 tuổi thì khá hơn nhưng hơi bừa bãi một chút. Rồi đến 45 tuổi thì chín chắn. Năm mươi lăm tuổi là bắt đầu già rồi.”
Văn Phụng là một nhạc sĩ không chú trọng về việc phân loại những sáng tác của mình để “cứ làm đại thôi! Có hứng là làm, gặp cái gì làm cái đó,” đúng như lời nữ danh ca Châu Hà đã nói về người chồng nghệ sĩ của mình: “Ông ấy sáng tác lúc nào cũng được, cứ có hứng là làm, ngay như ngồi chợ Cầu Ông Lãnh cũng làm nhạc được.”
Nguồn cảm hứng đến với Văn Phụng bất chợt, như trong thời gian đầu quen biết với Châu Hà, ông đã sáng tác “Suối Tóc” để tặng người vợ tương lai của mình. Gặp trường hợp buồn của người bạn, ông đã viết “Em Mới Biết Yêu Đã Biết Sầu,” trong khi nhạc phẩm “Tình” được sáng tác chung cho mọi người, vì theo ông “của ai thì cũng bấy nhiêu chuyện. Mình đã già đời về tình ái rồi, đã biết được chữ Tình nó là cái gì.”
Khi được hỏi những nhạc phẩm nào khiến ông hài lòng nhất, Văn Phụng cho biết: “Nói đúng thì đối với tôi, bài nào tôi cũng hài lòng. Không có bài gì đặc biệt lắm. Nhưng cũng có một vài bài hơn hơn một chút, thí dụ như bài ‘Suối Tóc’ chẳng hạn, tôi thích lắm. Hay như bài ‘Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn.’ Mọi người đều thích những bài đó. Gần đây nhất là bài “Chán Nản,” vào độ 72, 73 gì đó, thiên hạ thích lắm.”
‘Tình duyên đôi ta sẽ hòa, sẽ hòa như muôn tiếng hát với cung đàn’
Tiếng hát Châu Hà và tiếng đàn Văn Phụng đã hòa cùng một nhịp điệu vào khoảng năm 56, 57, vài năm sau khi ông “Ghé bến Sài Gòn.” Lúc đó Văn Phụng là nhạc trưởng tại đài phát thanh Quân Đội, nơi ông cộng tác một thời gian dài, cùng một lúc còn phụ trách một chương trình ca nhạc trên đài phát thanh Sài Gòn và đài Truyền Hình Việt Nam. Trong khi đó Châu Hà ở trong thời kỳ đầu tiên đi hát và hợp tác với một số chương trình ca nhạc trong đài phát thanh. Sau lần gặp gỡ Châu Hà, Văn Phụng sáng tác nhạc phẩm “Suối Tóc,” cho đến nay chỉ có tiếng hát Châu Hà mới diễn tả trọn vẹn được nhạc phẩm này và phần lớn những nhạc phẩm khác của Văn Phụng, cùng với tiếng hát của Kim Tước và Mộc Lan là những tên tuổi lớn trong thập niên 60 tại Việt Nam.
Đến năm 1963, Văn Phụng và Châu Hà thành hôn và đã có với nhau hai người con gái, đều cư ngụ tại Hoa Kỳ.
Năm 1978, gia đình Văn Phụng vượt biển đến một đảo ở Mã Lai. Sau năm, sáu tháng ở đây, gia đình ông đến tiểu bang Virginia, cư ngụ tại Fairfax cho đến nay. Sở dĩ Văn Phụng chọn Virginia vì ở đây là nơi cư ngụ của thân mẫu Châu Hà, một người em trai của ông và một số người thân thích khác. Ông không muốn sống ở California như đa số nghệ sĩ khác, hơn nữa “ở đây nó mọc rẽ ra rồi thành ra khó đi lắm.”
‘Tình là một chuyện muôn màu, tình là mình hạnh phúc thật mau’
Tự ví cuộc đời mình như cuộc đời một con bướm, Văn Phụng đã trải qua nhiều mối tình trước khi lập gia đình với Châu Hà. Đời ông là cả một sự bay bướm với những cuộc tình “loạn lên,” như ông nói cũng như đã xác nhận mình có số “đào hoa.” Quan niệm của ông về tình yêu đã được ông phơi bầy trong nhạc phẩm “Tình” là một bài “vừa ca ngợi vừa chán nản tình yêu” vì theo ông “Người ta vui vì tình cũng nhiều, người ta buồn vì tình cũng nhiều, cho nên nghĩa cái chữ tình nó khó lắm. Thật ra thì thí dụ như tôi hay chú, hay ai đó vừa mới gặp một nàng nào vừa mắt một tí là thấy trong lòng đã yêu rồi, mê rồi! Mê rồi thì đến lúc muốn gặp, muốn ôm lấy, muốn hôn, muốn làm tình, muốn làm đủ các thứ. Nhưng mà làm tình xong rồi sẽ có một thời gian bị buồn về những chuyện khác. Thường thường là như vậy. Ít khi nào có một cuộc tình mà bền bỉ và êm đềm suốt một đời. Thế nào nó cũng có sóng gió.”
Tuy “loạn lên” trong tình yêu, nhưng Văn Phụng chưa hề một lần đau khổ vì tình và “đặc biệt là không bao giờ bị thất tình gì hết cả. Không bị ai bỏ rơi hết cả. Chỉ có tôi bỏ rơi người ta thôi, chứ không có ai bỏ rơi tôi cả.”
‘Nỗi buồn ai hay cùng tôi, nỗi buồn xé nát tim tôi’
Nhưng vào những ngày tháng cuối đời, Văn Phụng đã mang một nỗi buồn lớn do bệnh tật gây nên. Ông cho biết bệnh ông là “các thứ bệnh... bệnh tim, bệnh gan, bệnh thận, bệnh phổi, đủ hết các thứ,” đến từ sự tác hại của bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy “mình cũng vẫn ăn uống, vẫn ăn phở, cà phê, cà pháo, cứ phây phây, cứ tưởng bở... ”. Khi nói câu này Văn Phụng đã liên tưởng đến những buổi tụ tập nơi nhà nhạc sĩ Nguyễn Túc vào mỗi ngày thứ Năm, nơi thường xuyên có mặt những nghệ sĩ cùng thời với ông khác cùng cư ngụ một vùng như Nhật Bằng, Anh Ngọc, v.v. Do thói quen đó, tại đây những nghệ sĩ tên tuổi này đã đặt tên cho nhóm của họ là “Club Jeudi” tức “Hội Quán Ngày Thứ Năm” để cùng nhau ôn lại những kỷ niệm xưa của một thời vàng son bên nồi phở bốc khói và ly cà phê đậm đà do nhạc sĩ Nguyễn Túc “sáng tác” và “hòa âm.” Một hội viên của “Club Jeudi” đã vĩnh viễn rời xa bạn bè trong sự luyến tiếc của các “hội viên” còn lại với tất cả sự ngậm ngùi, nhớ về hình ảnh một người bạn yêu đời và vui nhộn ngày nào trong ban tam ca “Do Si La... ”
Vào tháng Sáu năm 98, Văn Phụng được mời qua California tham dự một chương trình đặc biệt do ban hợp xướng Ngàn Khơi tổ chức để vinh danh ông. Lúc đó tình trạng sức khỏe của ông bắt đầu suy sụp để đến nỗi suýt bị té khi bước lên sân khấu mặc dù được nhiều người dìu đỡ, sau khi đã cẩn thận dặn dò một số bác sĩ thành viên của ban Ngàn Khơi phải đưa ông vào bệnh viện ngay trong trường hợp xẩy ra tình trạng nguy ngập. Ngay cả khi ngỏ lời trước khán giả, ông cũng bị lao đao, không vững. Và đó cũng là lần cuối cùng ông bước lên sân khấu trong cuộc đời nghệ sĩ của mình. “Đấy là bắt đầu từ tháng Sáu. Bắt đầu triệu chứng là nó như thế, nó lao đao, muốn té như là người sau rượu ấy. Vừa mới tháng Sáu năm ngoái thôi, còn phây phây. Về đến nhà thì bắt đầu tháng Mười năm 98 bị một cái heart attack, xụm ngay lập tức. Lúc bấy giờ như là cái cây rau luộc, đang tươi tốt như thế này, đem bỏ vào nước sôi một cái là ‘đi đoong’ đến như thế. Chán đời lắm.” Ông nói thêm với một giọng chán nản “Cho nên 55 đến 65 là bắt đầu ‘đi đoong.’ Như anh bây giờ 70, bắt đầu thành cái dẻ rách rồi,” và kết luận với một niềm bi quan cùng cực: “Mình ốm đau một năm nay, chán lắm chú ơi! Xin lỗi chú, chú chưa gặp cái cảnh ốm đau như tôi thế này. Như tôi một năm nay cứ đi ra vào nhà thương như là đi chợ ấy. Gặp hết bác sĩ lại y tá, toàn như thế không thôi. Nó chán và buồn ghê lắm. Đến nỗi bây giờ tôi đau cái tay không đàn được, khổ ghê lắm và buồn chán lắm.” Chán đến nỗi, ông không còn hy vọng gì nơi những tiến bộ về y khoa vì “Khi nó đã ‘attack’ mình thì mình cũng như là cái miếng sắt đã rỉ rồi, không thể nào làm gì được khác cả. Chỉ có vứt đi thôi.” Ông còn ví von một cách khôi hài pha lẫn một sự buồn chán: “Trước đó không có triệu chứng gì ca.! Cứ vẫn phây phây như thường, y như cái xe mà đang chạy, bị nổ lốp đến đùng một cái là nó xẹp ngay xuống. Nói cho chú nghe là trong đời người ta nó có cái trường hợp nó buồn đến như vậy.” Nỗi buồn thấm thía nhất đối với Văn Phụng có lẽ là khi “nghe những cái tapes ngày xưa mình làm, ngồi nghe mà buồn lắm. Bây giờ tay trái đâu có đánh đàn được nữa. Tay trái nó gần như là tê bại, paralyzed.”
Theo lời kể của nhạc sĩ Nguyễn Túc, Văn Phụng trước khi hôn mê một ngày, còn có mặt trong một tiệc cưới một gia đình người bạn thân tại nhà hàng Fortune ở Virginia. Và đó là lần xuất hiện cuối cùng của ông – một người theo đạo Tin Lành – trước khi được Chúa cất đi vào ngày 17 tháng Mười Hai năm 1999. Lễ phát tang của ông đã được tổ chức vào ngày 19 tháng Mười Hai tại Domaine Funeral Chapel ở Springfield để sau đó thi hài người nhạc sĩ tài hoa này sẽ được vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng đất ngày 22 tháng Mười Hai.
                       
                                         
                                               Ca sĩ Kim Tước hát: " Lời Nhi Nữ"
       Một số chương trình phát thanh về Nhạc Sĩ Văn Phụng
1. "Nhạc Sĩ Văn Phụng" - Trường Kỳ - VOA (Voice of America - Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ)
2. "Văn Phụng - Một Đời Cho Âm Nhạc" - Thy Nga - RFA (Radio Free Asia - Đài Á Châu Tự Do)
3. "Nhạc Sĩ Văn Phụng" - Hoài Nam - Đài SBS Úc Châu
                      
                            Nhạc Văn Phụng qua nhiều thế hệ
Bấm vào tựa đề để nghe nhạc:
1. Nhạc Văn Phụng -Tiếng hát Thái Thanh
Giã Từ Đêm Mưa, Tiếng Dương Cầm, Bóng Người Đi, Các Anh Đi, Chung Thủy, Ca Khúc Mừng Xuân, Ô Mê Ly, Nhớ Bến Đà Giang, Thuyền Xưa Bến Cũ
2. Nhạc Văn Phụng - Nhiều ca sĩ trình bàyTiếng hát: Khánh Ly (Đêm Buồn, Gió Chiều, Tạ Ơn Thượng Đế), Lệ Thu (Sương Thu, Mưa Trên Phím Ngà, Hôn Nhau Lần Cuói, Trở Về Huế), Mai Hân (Chung Thủy), Minh Trang (Hình Ảnh Một Đêm Trăng), Anh Ngọc (Tiếng Dương Cầm), Thái Thanh (Thuyền Xưa Bến Cũ), Phương Hồng Quế (Nhớ Bến Đà Giang), Đoàn Chính (Vó Câu Muôn Dặm), Mộc Lan (Bóng Người Đi), Mai Hương (Ta Vui Ca Vang, Suối Tóc, Mưa), Kim Tước (Lời Nhi Nữ, Dịu Dàng, Khúc Nhạc Tâm Tình), Quỳnh Giao (Mưa Trên Phím Ngà), Sĩ Phú (Giã Từ Đêm Mưa), Diễm Chi-Elvis Phương-Thái Châu (Xuân Họp Mặt), Phi Khanh (Đón Xuân Thanh Bình, Tình), Ban Hợp Ca Thăng Long (Giã Từ Đêm Mưa), Lưu Bích (Hoài Vọng), Xuân Sơn (Trăng Sáng Vườn Chè), Thanh Lan (Tiếng Vang Trên Đồi, Trăng Sơn Cước), Diễm Chi (Xuân Miền Nam), Connie Kim (Vó Câu Muôn Dặm), Đức Minh (Xuân Về Trên Non Sông Việt Nam), Tuấn Ngọc (Yêu và Mơ), Trần Thái Hòa (Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn), Hương Lan (Các Anh Đi), Ý Lan (Giấc Mộng Viễn Du), Khánh Hà (Chán Nản/ Yêu), Don Hồ (Hết Đêm Nay Rồi Mai Sẽ Hay), Minh Xuân & Minh Phúc (Vui Đời Nghệ Sĩ) ...
3. Nhạc Văn Phụng -Tiếng đàn tây ban cầm của Vô ThườngGiã Từ Đêm Mưa, Suối Tóc, Trở Về Huế, Tôi Đi Giữa Hoàng Hôn, Mưa
4. "CD Dòng Thời Gian - Văn Phụng" - Tiếng hát Thùy Dương
Tiếng Dương Cầm, Bóng Người Đi, Các Anh Đi, Ghé Bến Sài Gòn, Chán Nản, Yêu, Yêu và Mơ, Dịu Dàng, Nỗi Buồn, Trăng Sơn Cước
5. Nhạc Văn Phụng -Tiếng hát Phi KhanhGhé Bến Sài Gòn, Suối Tóc, Yêu, Ô Mê Ly, Nỗi Buồn, Tình, Xuân Miền Nam, Mưa, Đón Xuân Thanh Bình, Xuân Vui Ca
6. "CD - Trăng Sáng Vườn Chè" - với một số ca sĩ trẻ ở Việt Nam
Nhóm 5 Dòng Kẻ (Bức Họa Đồng Quê), Nhóm Belcalto (Giấc Mộng Viễn Du), Quỳnh Lan (Mưa /Yêu), AC &M (Ô Mê Ly), Quang Minh (Suối Tóc), Khắc Dũng & Mai Hậu (Trăng Sáng Vườn Chè), Bonnuer Trinh (Trăng Sơn Cước), Phi Thúy Hạnh (Xuân Họp Mặt)
         
                Văn Phụng, một đời cho Âm Nhạc
           Thy Nga, phóng viên đài RFA (Radio Free Asia - Đài Á Châu Tự Do)  -  2009-12-19
“Tôi đi giữa hoàng hôn” qua giọng hát Elvis Phương ...
Hoàng hôn về trên nghĩa trang nhỏ tại Quận Fairfax ở ngoại vi Hoa Thịnh Đốn. Vào cuối Thu, vài chiếc lá cuối cùng không chống đỡ nổi trước cơn gió lạnh, rơi rụng lác đác ...
           
Một chiếc lá úa màu, đậu nhẹ xuống ngôi mộ nằm bên cạnh dưới tượng Thiên Chúa. Hàng chữ “Tiếng hát với cung đàn” khắc trên tấm bia, dường như lạc lõng nơi đây, nhưng với người Việt có thân nhân yên nghỉ tại nghĩa trang này, nhất là với giới yêu nhạc thì hàng chữ ấy nhắc nhở đến đôi nghệ sĩ Văn Phụng-Châu Hà.

“Tiếng hát với cung đàn” hợp ca ...
“Cung đàn” là nhạc sĩ Văn Phụng đã ra đi vĩnh viễn ... Không có cung đàn thì “Tiếng hát” Châu Hà cũng không cất lên nữa.
Nhạc sĩ hòa âm phối khí số 1Nói đến Văn Phụng thì người Việt mình đều nghe tiếng, ông nổi danh là nhạc sĩ hòa âm phối khí số 1 của Việt Nam suốt thời gian từ 1945 đến biến cố tháng Tư 1975.
Tiểu sử của ông được đăng trên hầu hết các trang web về âm nhạc. Trong mục này, Thy Nga cũng đã từng viết về nhạc sĩ Văn Phụng. Thuở nhỏ, Văn Phụng là học sinh xuất sắc nhưng lại mê nhạc. Năm 15 tuổi, Văn Phụng đoạt giải nhất độc tấu dương cầm tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Năm 16 tuổi, được Linh mục Mai Xuân Đình chỉ dạy thêm về âm nhạc. Đến năm 18 tuổi thì được nhạc trưởng Schmetzer người Pháp gốc Đức chỉ dẫn về hòa âm. Cùng trong năm 1948 đó, Văn Phụng sáng tác nhạc bản đầu tay, là bài “Ô mê ly”. Tiết tấu sôi động của bài này làm cho người nào nghe cũng thích nên được cả các ban nhạc nước ngoài đàn lên mà không biết tác giả là ai, như lời người vợ tâm đầu ý hợp của ông là Châu Hà từng thuật lại.
“Ô mê ly” hợp ca ...
Suối tóc
Trường hợp hai người gặp nhau như thế nào, Thy Nga hỏi chuyện Châu Hà và được chị kể lại:
“Cô hỏi tôi cái chuyện này thì nó xa lắm rồi, nó đã đi vào dĩ vãng nhưng mà dầu sao thì nó cũng sống ở trong tim với lại tâm hồn tôi rất rõ ràng.
Ngày xưa đó thì ở Hải Phòng, ba của anh Phụng mướn nhà của ba tôi. Một hôm, anh Phụng đến thăm ông cụ. Lúc đó, tôi ngồi ở trên lầu vừa hong tóc vừa dạo đàn. Anh ấy nghe thấy tiếng đàn Piano ở trên lầu, mới tò mò bước lên cầu thang, và đứng ở ngưỡng cửa.
Tôi đang dạo đàn thì trông thấy bóng người đứng ở ngưỡng cửa, tôi quay ra thì ra là một chàng trai, không quen biết. Anh ấy cúi đầu chào và tự giới thiệu “Tôi là Văn Phụng, tôi đến thăm thày tôi ở dưới nhà mà tôi nghe thấy tiếng đàn ở trên này, tôi đánh bạo lên đây để làm quen. Thì ra cô đang đánh đàn.
Anh ấy nhìn tôi kỹ hơn, khi thấy tóc tôi dài chấm đất thì anh ấy buột miệng nói “suối tóc”! Rồi anh ấy quay lại hỏi tôi là cô đang dạo bài gì đó mà sao nghe hay thế. Tôi trả lời là của Eddy Duchin thì anh ấy mới bảo “Xin phép cô cho tôi dạo thử một tí được không?” Tôi bảo “Vâng, mời anh ngồi”. Anh ấy đàn thì tôi mới biết rằng tôi vừa mới múa rìu qua mắt thợ. Anh ấy đàn hay quá. Mặc dù lần đầu chơi cái bản nhạc này mà anh ấy đàn như mưa như gió, rất là hay! Thành đó là một cái kỷ niệm rất đẹp trong đời chúng tôi. Năm đó là năm 1952.”
“Tiếng dương cầm” do Thái Thanh trình bày ...
Ngay từ phút đầu gặp gỡ, hai người đã bị tiếng sét ái tình, nhưng bố của Văn Phụng không chấp thuận, thành ra Châu Hà phẫn uất đi lấy chồng để vào Nam, xa hẳn kỷ niệm.
Một thời gian sau, Văn Phụng cũng được bố mẹ cưới vợ. Rồi gia đình di cư vào Nam ... Trong không khí rộn ràng “Nắng đẹp miền Nam” Văn Phụng thành lập ban tam ca nam đầu tiên ở Việt Nam, và say sưa sáng tác tuy nhiên, trong lòng vẫn nhớ đến “Suối tóc”.
Châu Hà:
“Bẵng đi ... đến năm 54, một hôm ở đài phát thanh, anh ấy trông thấy tôi, anh ấy sững sờ. Anh ấy lại buột miệng, nói lần thứ hai “suối tóc”. Đó là cái sự tích của bài “Suối tóc” như vậy.”
“Suối tóc” mời quý vị nghe Văn Phụng đệm dương cầm cho Châu Hà hát sau này ...Trong Nam, Châu Hà trở thành một nữ ca sĩ nổi tiếng. Văn Phụng thì trở nên Nhạc trưởng của đài Phát Thanh Quân đội, và đảm trách chương trình ca nhạc trên đài Phát Thanh Saigon. Và một điều mà ít người biết là Văn Phụng cũng viết nhạc cho các đoạn phim thời sự Việt Nam chiếu trong rạp trước khi vào phim chính thời đó.
Hai người vẫn yêu thương nhau nhưng làm sao đây? Còn gia đình ràng buộc, rồi những dị nghị xung quanh. Trong lúc tâm tư buồn bã nhất, Văn Phụng viết nhạc khúc “Tôi đi giữa hoàng hôn” (vào năm 1962).
Tưởng đâu mọi sự đã an bài nhưng rốt cuộc, họ tái hợp từ năm 63 để sống bên nhau cho tới khi chứng bệnh cướp đi đời sống của Văn Phụng. Ông mất vào ngày 17 tháng 12, 1999 tức là tuần này, gia đình sẽ làm giỗ thứ 10.
Châu Hà:
“Cảm tưởng sau 10 năm anh Văn Phụng mất, là tôi tiếc kinh khủng lắm. Tôi tiếc cái tài của anh ấy phải chôn vùi đi bởi cái bệnh và chết. Nhưng mà cái chết, không ai thoát được cả ... thì tôi cũng đành tiếc nuối anh ấy thôi.”
Phương Loan, người con gái lớn nhất của Văn Phụng, nói là tuy bố có tình yêu mới nhưng ông vẫn chu toàn bổn phận với con cái nên các con vẫn luôn kính yêu bố. Loan thuật lại kỷ niệm nhớ nhất về Bố:
“Cái kỷ niệm mà ngây thơ nhất, Loan còn nhớ mãi, muốn để viết vào trong truyện, là sự hãnh diện vì có người cha nổi tiếng như vậy.
Có một hôm, Bố chở đi chơi, Bố vừa mới mua được cái xe hơi hiệu Versailles. Saigon đâu mấy ai có cái xe đẹp lộng lẫy như thế. Mình đi thì thấy ai cũng ngó. Mình còn nhỏ, không hiểu rằng đó là vì cái xe đẹp, mà mình lại nghĩ là “Ô! tại vì Bố mình đi đâu, người ta cũng biết là ông Văn Phụng.”
Loan nhìn lên trên trời thì thấy ánh trăng đi theo. Mình lại nghĩ bụng “Bố mình nổi tiếng đến nỗi ông Trăng ở trên trời cũng biết đây là nhạc sĩ Văn Phụng và đi theo nữa”. Về sau, mình mới biết ra là mình quá ngây thơ như thế.”
“Hình ảnh một đêm trăng” do con trai Văn Phụng Hoàng đàn.
Cảm nghĩ của Loan khi sắp đến giỗ Bố, đặc biệt năm thứ 10 là mốc thời gian đáng kể.
Loan:
“Dạ thưa Cô thì cả tháng này là trong tâm hồn của Loan và mọi người trong gia đình đều chuẩn bị hết.
Ý nguyện của Loan muốn làm trong dịp kỷ niệm năm thứ 10 này là vợ chồng Loan sẽ về ăn Tết ở Việt Nam - lần đầu tiên sau năm 75 - để rồi đi thăm tất cả những nơi mà ngày xưa Bố đã đi chơi nhạc. Loan muốn đến để tìm lại xem: thứ nhất có còn những cái đó không? Nếu không còn thì bây giờ, nó là cái gì? Mình quay phim, chụp ảnh. Nói lên “Con về để ghi chép lại tất cả những công trình âm nhạc của Bố.”
Công trình âm nhạcVăn Phụng để lại cho đời khoảng sáu mươi nhạc bản, từ những bài “Ô mê ly”, “Tiếng vọng chiều vàng”, “Trăng sơn cước” với các tiết tấu lạ tai vào thời đó, những ca khúc sống động vui tươi, các bài hát Xuân, các tình ca; đến các nhạc khúc mang âm điệu cổ điển Tây phương như “Tiếng dương cầm”, “Mưa trên phím ngà”, ... tới các bài chứa chất tình cảm quê hương như “Nhớ bến Đà giang”, “Trở về Huế”, “Ghé bến Saigon”, “Bức họa đồng quê”; các bài đậm tình dân tộc như “Trăng sáng vườn chè” phổ ý thơ Nguyễn Bính; và trong bối cảnh chiến tranh, có những bài “Các anh đi”, “Bóng người đi”, “Lời nhi nữ”, “Chung thủy”, “Nhắn người lạc lối”, ...
Khi cảm hứng đến, là ông sáng tác ngay.
Tới nay, những nhạc bản của Văn Phụng vẫn được nhiều người ưa chuộng. Các nét nhạc độc đáo và công trình của ông thật là quý báu cho kho âm nhạc nước nhà.
Chương trình về cố nhạc sĩ Văn Phụng xin kết thúc nơi đây. Thy Nga chào tạm biệt quý thính giả.
Tham Khảo:
1. Hình ảnh, nhạc bản, nhạc: NS Nguyễn Túc, NS Lê Văn Khoa, Thái Phượng, một số websites, và tư liệu
2. Bài viết của: NS Nguyễn Túc, NS Lê Văn Khoa, NS Thanh Trang, NV Lê Văn Phúc, Ca sĩ Quỳnh Giao, NV Nguyễn Đức Nam, Bạch Cúc
3. Chương trình phát thanh: Thy Nga (RFA), Trường Kỳ (VOA), Hoài Nam (SBS-Úc Châu)

Trang NhàLiên KếtLiên Lạc Tạp Chí Cỏ ThơmLiên Lạc Website
   Copyright © 2007 Cỏ Thơm

Mambo is Free Software released under the GNU/GPL License.

Designed by mambosolutions.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét